Định Nam đao Mạc_Thái_Tổ

Bài chi tiết: Định Nam đao

Thanh bảo đao của Mạc Thái Tổ (được gọi là Định Nam đao) còn lưu giữ được xem là bảo đao của Mạc Thái Tổ. Thanh long đao này dài 2,55 mét, nặng 25,6 kg (theo phán đoán, nếu chưa han gỉ, thanh long đao có thể nặng đến 30 kg).[87] Năm 2010, thanh long đao này đã được con cháu họ Phạm gốc MạcNam Định đưa về lưu thờ và trưng bày ở Khu tưởng niệm Vương triều Mạc tại xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng (nơi là trung tâm của Dương Kinh thời Mạc ở thế kỷ XVI).

Bên cạnh ý kiến của nhà cổ sử học Lê Xuân Quang khẳng định thanh đao này là của Mạc Thái Tổ[87], còn có ý kiến nghi ngờ về điều này. Theo ý kiến nghi ngờ của ông Nguyễn Bá Thanh Long, Phó Chủ tịch Hội Cổ vật Hải Phòng, chưa có cơ sở khoa học để khẳng định thanh đao này của Mạc Thái Tổ mà chỉ dựa trên sự truyền tai nhau, trên thanh đao không có minh văn và không có dấu tích vật thể nào để khẳng định. Tiến sĩ Đoàn Hoàng Sơn, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Hải Phòng cho rằng: cần có kết quả giám định mới khẳng định được, không nên chỉ dựa vào truyền ngôn; mặt khác với trọng lượng khoảng 30 kg, thanh đao này mang tính chất biểu tượng hơn là thanh đao chiến trận thực sự của Mạc Thái Tổ, "với sức vóc của người Việt Nam ở thế kỷ XVI thì dù có lực lưỡng cỡ nào cũng không thể mang được nó mà rong ruổi khắp sa trường".[88]

Hình ảnh đồ họa cho thấy thành quả quá trình phục chế dựa theo nguyên bản thanh Định Nam Đao (hiện đang được lưu thờ ở Khu tưởng niệm Vương triều Mạc tại Hải Phòng) được cho là của Mạc Thái Tổ sử dụng từ những năm đầu thế kỷ 16 trở đi hoặc là từ thời kỳ còn làm tướng của nhà Lê sơ. Một chi tiết cần lưu ý là chiều dài khác thường của thanh Định Nam Đao nguyên bản gần 2 mét rưỡi. Thanh Định Nam Đao nguyên bản (đang được lưu thờ ở Hải Phòng) ngoài phần khâu đao bằng hợp kim đồng hình đầu rồng còn gần như nguyên dạng thì phần lưỡi và cán đao bằng sắt đã bị ăn mòn tương đối sâu do khoảng thời gian hơn 1 thế kỷ chôn giấu dưới lòng đất Nam Định bởi hậu duệ họ Phạm gốc Mạc.

Cho đến nay đã có không ít quan điểm trái chiều về tính thực chiến của thanh đao này và thậm chí là về cả chủ sở hữu thực sự của nó. Tuy nhiên, một ý kiến ủng hộ cho tính thực chiến của thanh Định Nam Đao là bởi chiều dài khác thường của nó so với phần lớn các loại trường đao vẫn được các võ sư Việt Nam sử dụng trong biểu diễn võ thuật từ trước đến nay. Đặt giả thiết ngay cả khi Mạc Thái Tổ thời còn làm tướng nhà Lê sơ nếu ông chỉ sử dụng thanh đao này để biểu diễn võ hay tập luyện thông thường, hoặc chỉ đơn giản dùng làm binh khí trưng bày thuần túy để biểu dương sức mạnh thì không nhất thiết phải dùng thanh đao dài trên 2,40 mét hay thậm chí trên 2,50 mét mà có thể chỉ cần thanh đại đao dài trên dưới 1,90 mét một ít là hợp lý (tức là thanh đao dài hơn chiều cao của một võ sư trung bình khi đứng thẳng chừng từ 10 tới 20 cm), ngay cả khi thân hình và sức vóc của ông vượt trội hơn nhiều thể trạng trung bình của người Việt thời đó. Một lý do ủng hộ cho kích thước lẫn chiều dài vượt cỡ của thanh Định Nam Đao (so với tương quan hình thể của người Việt nói chung ở thế kỷ 16) là nó có thể chỉ dùng chủ yếu trên lưng ngựa. Đây cũng chính là một lý do ủng hộ cho tính thực chiến của thanh đao này. Vì với sức chịu nặng và linh động của một con ngựa tương đối cao khỏe (có thể là giống ngoại nhập từ phương bắc), một chiến tướng với sức vóc như Mạc Đăng Dung sẽ có lợi thế nhiều khi đánh từ trên yên ngựa hơn là sử dụng thanh đao dài gần 2,50 mét vào mục đích cận chiến trên mặt đất.